Lê Phước Lợi - Tay cơ đất Mũi

Thảo luận trong 'Tin Tức'

  • Tư vấn kĩ thuật bida: Chém Thần | Hỗ trợ kĩ thuật web: Wiwi | Hỗ trợ demo kĩ thuật bida: Tano | Tư vấn định hướng diễn đàn: Thiên Bình | Nhà tài trợ vàng: CLB Bida Top
  1. Bida8vn

    Bida8vn Staff Member Tổ Sư Rùa

    Tham gia:
    24/1/16
    Bài viết:
    291
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    Lê Phước Lợi (Ba Lợi) là tay cơ lão làng ở đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là vận động viên cao niên nhất trong đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 22 hồi tháng 12-2003. Bước vào cuộc thi tài, ông vượt qua cơ thủ Prasong Plarak (Thái Lan) một cách dễ dàng. Vào bán kết, ông đã đòi được "món nợ" ở SEA Games 19 trước Tan Kiong An (Indonesia) với tỷ số cách biệt khá xa: 200/93

    [​IMG]
    Trận tranh chấp ngôi vô địch giữa ông và vận động viên Đặng Đình Tiến diễn ra căng thẳng, quyết liệt và kéo dài trong 3 giờ 44 phút mới phân được thắng bại. Bị dẫn điểm liên tục từ đầu trận, có lúc khoảng cách lên đến 29 điểm nhưng ông Ba Lợi vẫn bình thản và thi đấu một cách cẩn thận. Từng đường cơ đều được ông đắn đo suy nghĩ trước lúc ra tay và tuy không mượt mà như một số tay cơ trẻ nhưng lại khá chắc chắn... Thế nên, mãi đến lượt cơ thứ 40, ông Ba Lợi mới đi được serie 23 điểm - rút ngắn tỷ số chỉ còn 3 điểm (190/193) rồi giành chiến thắng cuối cùng bằng tỷ số sít sao 200/195 trước gương mặt sững sờ của tay cơ họ Đặng...

    Ông Lê Phước Lợi sinh ngày 21-10-1940 tại Cà Mau. Năm lên 7 tuổi, cha ông là cụ Lê Văn Huình (làm việc ở ngành Bưu điện nên người trong vùng còn gọi là ông phán Huình) thuyên chuyển lên Bạc Liêu đưa cả gia đình về quê hương mới. Tuy ông là con thứ tư trong gia đình có 8 anh chị em nhưng sau này "anh em đều gọi tôi là Ba Lợi vì vợ tôi thứ ba", ông vui vẻ giải thích. Bắt đầu tập tễnh cầm cơ lúc 15 tuổi, chỉ vài năm sau, ông đã nổi tiếng ở đất Bạc Liêu. Ông kể lại:"Hồi đó tôi mê bi-da lắm! Ngoài giờ học, tôi thường la cà ở mấy tụ điểm để chơi cùng bạn bè. Những khi đánh trật một đường cơ, tôi cứ thao thức mãi và khi ngủ lại chiêm bao thấy tái hiện lại đường cơ đó. Thế là ngày hôm sau tôi sắp xếp đạn và tập đánh lại..."... Cuối thập niên 1950, ông từ giã đất Bạc Liêu lên Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, bi-da vẫn luôn gắn liền với cuộc đời ông như một định mệnh "không sao dứt ra được". Nhờ vậy, ông có dịp học hỏi, "so cơ" cùng các "cao thủ" nổi tiếng tại Hòn ngọc Viễn Đông" như: ông Thượng, ông Ba Y, ông Long... và sớm trở thành một trong những cơ thủ có tầm cỡ hồi đầu thập niên 1970.

    Tại giải bi-da 3 băng mừng Xuân Đinh Sửu tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1997, ông giành ngôi á quân và được tham dự SEA Games 19. Do đội tuyển đã có 2 cơ thủ là Lý Thế Vinh và Dương Hoàng Anh chơi nội dung 3 băng, ông được Ban huấn luyện chuyển sang thi đấu nội dung 1 băng. Sau khi thắng 2 cơ thủ Myanmar và Philippines, đường vào chung kết của ông bị chặn lại bởi vận động viên Tan Kiong An của nước chủ nhà nên chỉ có được chiếc huy chương đồng... Thua trận này, ông vô cùng ấm ức vì Ban tổ chức chỉ thông báo ông kém đối phương 4 điểm... Đây cũng là kỷ niệm buồn nhất của ông trong những năm tháng cầm cơ. Những năm sau, vẫn với lối đánh cẩn trọng, trong công có thủ, ông Lê Phước Lợi đã chiếm huy chương vàng giải vô địch quốc gia ở các nội dung khác nhau: bi-da Anh (1999), 3 băng (2000), 1 băng (2002)...

    Vóc dáng nhỏ gầy gò, tuy gương mặt có vẻ khắc khổ, nhưng ông Ba Lợi lại là người vui vẻ, lạc quan và thoải mái. Đối với ông, cái "nghề chơi bi-da" tưởng chừng như "vô bổ" này cũng lắm công phu đó chú em à! Gặp những đường đạn khó mà mình đánh được thật thú vị vô cùng. Nếu phá chưa được thì tôi nghiên cứu, suy nghĩ xem tại sao người ta đánh được mà mình không đánh được để từ từ tìm cách giải quyết... Một trong những bài học mà tôi chiêm nghiệm được sau nhiều năm cầm cơ là cơ thủ không chỉ thi đấu với đối thủ mà quan trọng hơn là thi đấu với chính bản thân mình tức là tâm lý phải thật ổn định. Quyết tâm thi đấu nhưng nếu để tư tưởng mình dao động giữa thắng hay thua hoặc "khớp vía" trước "cái danh" của đối thủ thì xem như hỏng việc. Về những khó khăn phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày thì mình phải bươn chãi, tự tìm cách giải quyết và vượt qua vì trong xã hội còn có biết bao người khác cũng gặp khó như mình". Vài năm gần đây, con cái (2 gái, 1 trai) đã lớn khôn và thành gia thất, hầu như anh Ba dành tất cả thời gian cho "niềm đam mê" của riêng mình - thường dợt cơ khoảng 6 - 7 giờ/ngày. Một số lần đến CLB Phan Đình Phùng, chúng tôi thường thấy ông Ba kiên nhẫn tự luyện một mình mà chẳng cần có quân xanh. Niềm vui thú thứ hai của ông Ba là được đi tham quan du lịch nơi này nơi nọ (nhất là các thắng cảnh) để mở rộng tầm mắt... Thế thì bà nhà có phàn nàn hay cản trở khi mỗi ngày ông đều có mặt ở tụ điểm bi-da? Nghe chúng tôi hỏi vui như vậy, ông Ba cười ngất rồi mới trả lời: "Ngày trước, gia đình bà xã tôi là chủ tiệm bi-da. Nhờ tôi thường xuyên đến đó "luyện nghề" nên mới nảy sinh chuyện tình cảm và nên duyên chồng vợ. Bởi vậy, bà ấy luôn động viên và ủng hộ tôi"...

    Sau giờ phút đăng quang tại đấu trường SEA Games 22, trong vòng vây của cánh nhà báo, ông Ba Lợi đã thổ lộ:" Tôi rất vui khi "gà nhà" cùng vào chung kết và người nào thắng cũng được. Đáng lý ra, tôi lớn tuổi hơn thì phải nhường cho đàn em, nhưng vì khán giả cổ vũ rất nhiệt tình trong một trận đấu kéo dài gần 4 giờ đồng hồ nên hai anh em chúng tôi phải chơi hết mình để cống hiến cho giới hâm mộ những đường cơ đẹp... Xin cảm ơn khán giả đã quan tâm và lưu lại đến phút cuối của trận đấu". Trả lời câu hỏi về dự định của mình, nhà tân vô địch SEA Games khẳng định:"Hiện nay tôi vẫn khoẻ mạnh nên sẽ tiếp tục luyện tập. Nếu ban huấn luyện tin tưởng, tôi sẵn sàng tham gia thi đấu (cười)...".

    Từ đầu năm 2004, ông Ba Lợi lại tiếp tục có tên trong danh sách đội dự tuyển billiards & snooker khu vực phía Nam. Vừa qua, ông đã chiếm huy chương vàng thể loại bi-da Anh tại giải vô địch thành phố Hồ Chí Minh và đang chuẩn bị so tài tại giải vô địch toàn quốc sắp diễn ra vào thượng tuần tháng 7 này. Dù có thâm niên xấp xỉ 50 năm gắn bó với bi-da - một môn thể thao trí tuệ, nhưng ông Ba Lợi vẫn cho rằng: "Chơi bi-da rất mất thời gian. Một số người vì quá đam mê mà bỏ bê công việc sinh ra xào xáo gia đình hoặc một số thanh thiếu niên trốn học hay xao lãng chuyện học văn hóa. Nguy hại hơn, một số người rơi còn vào cảnh kinh tế túng quẫn vì cá độ... Bài học kinh nghiệm lớn của đời tôi là cái gì cũng có 2 mặt: tốt và xấu đan xen với nhau. Thế nên, đam mê nhưng cũng cần phải biết chừng mực thì mới không có hại... Tôi không phản đối thanh thiếu niên chơi bi-da nhưng trước tiên các em phải dành thời gian thỏa đáng cho việc học văn hóa nghĩa là học xong rồi mới chơi". Lời tâm tình này phải chăng chính là lời khuyên và cảnh báo của một bậc "trưởng bối" dành cho những người mới bước chân vào nghiệp cầm cơ!

    (Theo baocantho.com.vn)​
    Chỉnh sửa: 12/2/16

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này

  • Tư vấn kĩ thuật bida: Chém Thần | Hỗ trợ kĩ thuật web: Wiwi | Hỗ trợ demo kĩ thuật bida: Tano | Tư vấn định hướng diễn đàn: Thiên Bình | Nhà tài trợ vàng: CLB Bida Top