Dr. Clock - Để chơi một môn gì ta đều phải biết từ căn bản, với Bi-A điều đó thể hiện rõ nhất khi mọi kĩ thuật đều liên quan tới nhau. Đây cũng là một trong những lý do những người chơi rất lâu mà không thể giỏi bởi vì họ đã sai căn bản hoặc một kĩ thuật nào đó, và tai hại rằng khi nó đã thành thói quen thì rất khó sửa. Tôi hy vọng rằng bạn là người mới chơi (rất dễ học) hoặc tuy đã biết chơi nhưng có thể thay đổi thói quen (cũng ok). Đặt và cầm gậy là yếu tố tiên quyết đầu tiên giống như lúc nấu cơm mà đặt lượng nước không đúng là chán ngay, cơm đã chán thì thức ăn ngon cũng sẽ không kiếm được điểm tuyệt đối cho bữa ăn. Trong Bi-A tất cả sẽ dần hình thành thói quen, và từ thói quen sẽ chuyển thể thành cảm giác. Nếu bạn đặt gậy sai thì không có nghĩa bạn sẽ đánh trượt, nhưng nếu cách đặt đó không có độ vững và vào ván đầu nhất là lúc bạn mất tự tin thì tay không vững, điểm tiếp xúc giữa gậy và bi bị lệch dẫn tới đi chệch hướng và thường sẽ bị quy kết do ngắm không chuẩn. Cho nên hãy bình tĩnh, đọc bài sau đây và rèn luyện thật chắc kĩ thuật đặt và cầm gậy. Cầm gậy có rất nhiều cách cầm, hiểu đại khái là làm sao tạo một điểm nối để từ đó đầu gậy được vững. Trước hết bạn hãy học và thành thạo những cách căn bản sau. Cầm gậy Những người mới chơi thường hay có kiểu cầm bằng hai ngón như thế là rất không chính xác vì bạn sẽ khó vững cơ hơn. Cầm nắm lại như hình dưới mới là đúng và không phải cầm ở sát đằng cuối gậy mà cách một khoảng, thường gậy Bi-A sẽ có một màu khác hoặc nếu không có bạn tự căn chỉnh lên. Đừng lo việc cầm chặt cả bàn tay sẽ không linh hoạt bằng cầm 2 ngón, bởi vì cái bạn cần là sự cố định sau khi đã ngắm hướng, khi nắm bằng cả bàn tay bạn sẽ giảm tỷ lệ lúc ngắm thì chuẩn tới lúc đánh thì điểm tiếp xúc giữa gậy với bi lại lệch. Về hướng để chân cũng có lý thuyết riêng nhưng cũng không quan trọng lắm vì từ từ bạn sẽ tự căn chỉnh theo một khi tay đã chắc. Chỉ có điều là cố gắng cúi sát một tí chứ đừng có ngẩng ngẩng lên cao thế nào cũng sớm vẹo cổ. Đặt gậy thông thường Điểm tiếp xúc: Điểm tiếp xúc càng nhiều thì độ chắc của cơ càng cao. Một lỗi những người chơi mới rất hay gặp đó là để điểm tiếp xúc đúng chỉ một đỉnh nên nó có thể lắc trái lắc phải (cái bạn muốn là nó chỉ dao động lên xuống chứ không phải trái phải). Bạn có thể thấy trong hình dưới đường kẻ màu đỏ là điểm tiếp xúc tương đối dài nên hạn chế khả năng bi lắc trái lắc phải. Còn đừng nhìn những người thành thạo rồi, họ đã quá quen với gậy thì kể cả đánh Bi-A một tay không cần đặt họ cũng làm được khá vững. Cơ tay cần điều khiển Những người mới chơi khi đặt thường sử dụng rất nhiều cơ tay nên nhanh chóng bị mỏi và thậm chí cũng không chắc. Chú ý hình dưới dấu tròn đó là cơ tay duy nhất bạn cần điều chỉnh, còn lại những ngón tay khác thả lỏng và nó sẽ tự động nâng lên hạ xuống giống như mũi tên màu xanh. Đặt gậy trên băng Khi bi cái sát băng sẽ xảy ra 2 trường hợp, 1 là khi nó không quá sát thì bạn sẽ đặt như hình dưới. Còn khi nó sát hẳn vào thì cách đặt cũng khó hơn do điểm tiếp xúc với bi ít hẳn lại, thực ra ở bước này thì bạn chưa nên luyện cái sát băng vội làm gì mà nếu có gặp thì cứ đánh làm sao chạm vào bi là được. Điểm tiếp xúc Bạn có thể thấy viền đỏ chỉ điểm tiếp xúc giữa tay và gậy. Khi đặt trên băng thì điều đầu tiên phải nhớ là gậy sẽ nằm luôn trên băng chứ không phải kê ngón ở dưới nhé, sau đó theo cách để tay như viền đỏ thì ngón tay cái và ngón tay giữa sẽ tạo thành một trục thẳng theo chiều gậy, còn ngón tay trỏ sẽ nhiệm vụ vòng qua và kéo sát gậy vào để cố định. Cơ tay cần điều khiển Chỉ cần điều khiển những cơ tay như trong hình dưới là được, toàn bộ ngón tay cái, điểm đầu ngón giữa và toàn bộ cơ ngón tay trỏ. Lưu ý: Mỗi khi cầm cơ hãy luôn nhẩm trong đầu "Đặt Chặt", Đặt có nghĩa là đặt cho chuẩn, Chặt là tóm chặt cơ và dần dần sẽ thành thói quen. Bài tập: Hãy đánh Bi-A và không cần quan tâm bắn có trúng hay không (cái đó tất yếu sau này sẽ thành thạo) mà giờ chỉ cần tập trung luyện cách đặt tay, cầm cơ. Đến khi nào đặt và thấy tương đối vững (nhìn đầu gậy không run run) thì lúc đó mới nên chuyển qua bài tiếp theo. DrClock.VN